Phép chào “Thỉnh thủ” trong Võ cổ truyền Việt Nam mang những ý nghĩa gì

Bàn tay trái mở ra (ngón tay cái gấp lại và 4 ngón kia duỗi thẳng, khép sát nhau) rồi hai tay hạ xuống, vòng lên hai bên và hợp nhau lại trước ngực (Nắm tay phải úp lại và đặt sát vào lòng bàn tay trái, các ngón của bàn tay trái hướng lên, hai chỏ ngang bằng nhau ).

Tác giả: Võ sư Trần Xuân Mẫn – Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam
Chào thỉnh thủ là một cách chào đặc thù của người học võ đối với đồng đạo võ lâm và là cách thể hiện tấm lòng tri ân, sùng kính đối với các vị Tiền nhân võ liệt đã khuất.

url

Về hình thức, khi chào thỉnh thủ người ta thực hiện một số động tác theo trình tự:

– Đứng nghiêm, thân thẳng đứng, mặt nhìn thẳng về phía trước, hai bàn tay nắm lại đặt ở hai bên hông, ngón tay cái chặn lên khớp thứ hai của hai ngón trỏ và giữa.

– Bàn tay trái mở ra (ngón tay cái gấp lại và 4 ngón kia duỗi thẳng, khép sát nhau) rồi hai tay hạ xuống, vòng lên hai bên và hợp nhau lại trước ngực (Nắm tay phải úp lại và đặt sát vào lòng bàn tay trái, các ngón của bàn tay trái hướng lên, hai chỏ ngang bằng nhau ).

– Đẩy nhẹ hai bàn tay thỉnh thủ tới hướng trước, cách ngực khoảng 20 cen-ti-mét.

Trong thực tế thì hình thức này có một số thay đổi về chi tiết động tác theo từng võ phái, chẳng hạn như:

– Có võ phái mở bàn tay phải, nắm bàn tay trái (tức là ngược lại với hình thức chào ở trên là mở bàn tay trái nắm bàn tay phải)

– Có võ phái không mở bàn tay trái để các ngón tay hướng thẳng lên mà các ngón tay cong quặp xuống ôm lấy lưng bàn tay phải

– Có võ phái đưa hai bàn tay thỉnh thủ khép sát nhau qua ngực trái rồi mới đẩy tới trước ngực

Về nội dung, ý nghĩa của động tác chào thỉnh thủ cũng có nhiều cách giải thích khác nhau:

– Cách giải thích thứ nhất là: Bàn tay nắm tạo ra chữ “Nhật” và bàn tay mở tạo ra chữ “Nguyệt” (Người Việt Nam ngày xưa, trước thế kỷ XX vẫn dùng chữ Hán trong giáo dục và văn tự hành chính). Hai chữ “Nhật” và “Nguyệt” ghép lại thành chữ “Minh” có nghĩa là “sáng”. Theo quan niệm này, người học võ phải luôn giữ lòng mình trong sáng, làm việc gì cũng minh bạch.

– Cách giải thích thứ hai cũng đồng quan điểm về hình thức chào thỉnh thủ tạo ra chữ “Minh” nhưng về ý nghĩa, mục đích của cách chào thì lại giải thích khác: Cách giải thích này cho rằng khi nhà Minh bên Tàu bị thất thủ vào năm 1644 bởi cuộc bạo động được chỉ huy bởi Lý Tự Thành (người lập ra nhà Đại Thuận, sau này người Mãn Châu chiếm quyền lực và lập ra nhà Thanh), những triều thần trung thành của nhà Minh chạy sang nước Việt sinh sống, họ đã tạo ra cách chào chữ “Minh” như đã nói trên để dễ nhận biết nhau. Đa số những người này đều là dân võ nghệ cao cường nên cách chào của họ dần dà trở thành phép chào chung của đồng đạo võ lâm mà ngày nay ta gọi là chào “thỉnh thủ”.

– Cách giải thích thứ ba là: Bàn tay nắm tượng trưng cho thân xác của người học võ và bàn tay mở tượng trưng cho da con ngựa mà người ta thường cưỡi khi ra trận. Quan niệm này nhắc nhở người học võ luôn đặt việc đại nghĩa lên hàng đầu. Người học võ khi lâm trận cũng như người chiến sĩ khi ra chiến trường, họ sẵn sàng hy sinh, có chết thì lấy da ngựa bọc thân xác mà đưa về chứ không lùi bước trước quân thù.

– Cách giải thích thứ tư là: Một bàn tay mở ra che chở lấy bàn tay kia đang nắm có ý nghĩa nhắc nhở người học võ phải có nghĩa khí, sẵn sàng hy sinh cứu giúp người thế cô, che chở người yếu đuối. Cách giải thích này dựa theo quan điểm “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng” (Thấy việc nghĩa mà không làm là không dũng cảm, thấy lâm nguy mà không cứu thì không phải là anh hùng).

– Cách giải thích thứ năm có vẻ giản dị, gần gũi và bình dân hơn là: Hình thức chào thỉnh thủ có hai ý nghĩa chủ yếu. Ý nghĩa thứ nhất là bày tỏ sự tôn trọng, cung kính của người chào đối với người đối diện bằng hình thức hai cánh tay nâng lên ngang bằng nhau trước ngực và tạo thành hình vòng cung. Ý nghĩa thứ hai là bày tỏ sự đoàn kết, ý muốn thân thiện của người chào đối với người đối diện bằng hình thức hai bàn tay gắn chặc vào nhau và đưa tới phía người đối diện.

Theo tôi, không có một tư liệu sách vở nào ghi lại người sáng tạo ra và thời điểm sáng tạo ra cách chào thỉnh thủ là ai và từ bao giờ nên những cách giải thích ở trên cũng chỉ là một số ước đoán, tìm cách giải thích theo quan điểm riêng của một người hoặc một nhóm người nào đó; Và cũng có thể còn nhiều cách giải thích khác nữa về phép chào thỉnh thủ chứ không phải chỉ có năm cách giải thích như trên.

Tuy nhiên, những ý nghĩa của phép chào thỉnh thủ dù được giải thích bằng cách nào đi nữa thì chào thỉnh thủ vẫn là một hành vi, biểu tượng đẹp, thể hiện sự cao quí, mạnh mẽ, vị tha và tinh thần nhân văn trong võ học, nên cần được duy trì và thực hành mãi mãi

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *